“Lưu giữ hồn Việt” là một trong những chương trình học tập trải nghiệm trọng điểm và có tính kế thừa qua từng năm học. Tham gia dự án xuyên suốt từ lớp 8 đến lớp 12, học sinh được học tập và tìm hiểu những giá trị văn hóa vùng miền, áp dụng nhiều kỹ năng như: làm việc nhóm, thu thập và xử lí thông tin, ứng dụng công nghệ, xử lý phim ảnh cùng các kỹ năng thuyết trình, kỹ năng sống để thực hiện những dự án học tập và bảo tồn những di sản phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Khởi đầu hành trình “Lưu giữ hồn Việt”, các em học sinh khối 8 trường TH – THCS – THPT Thái Bình Dương đã cùng về Bạc Liêu - quê hương của đờn ca tài tử, nơi đã từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối trong đó có cố nhạc sỹ Cao Văn Lâu – người được xem là ông tổ của đờn ca tài tử với bản nhạc nổi tiếng Dạ cổ hoài lang.
Trước khi hòa mình vào giai điệu da diết của “hò, xừ, xang, xê, cống,…”, các em học sinh đã được tìm hiểu nét đẹp văn hóa và tín ngưỡng của người Kh’mer qua các công trình kiến trúc phật giáo, khám phá vẻ đẹp hùng tráng, lịch sử hình thành cũng như công dụng của công trình cánh đồng điện gió Bạc Liêu. Đến với khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử nam bộ, học sinh đã được tham quan học hỏi nghệ thuật đờn ca tài tử nam bộ. Các em vừa được nghe những bản đờn ca tài tử phổ biến vừa được hướng dẫn thể hiện những điệu cơ bản bởi những nghệ nhân tại đây. Chuyến trải nghiệm cùng nghệ thuật đờn ca tài tử càng ý nghĩa và sống động hơn khi các em học sinh đã cùng chia nhóm, trình bày và tranh tài với các nhóm còn lại trong buổi liên hoan tổng kết chương trình.